Tuyển sinh

(Cập nhật ngày: 18/11/2015)

Theo Bộ GD-ĐT, trong năm 2016 tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH - CĐ). Tuy nhiên, ở các giải pháp kỹ thuật của tuyển sinh 2016 (thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH - CĐ) hi vọng sẽ có nhiều điều chỉnh theo hướng tích cực, giảm bớt căng thẳng và rối rắm trong mùa tuyển sinh 2015.

Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TPHCM năm 2015. (Ảnh: MAI HẢI)

Duy trì thi THPT Quốc gia

Tại Hội nghị thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH - CĐ năm 2016 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 13-11 tại TPHCM cũng như tại Hội nghị tổng kết năm học khối ĐH - CĐ diễn ra ngày 22-10, rất nhiều trường ĐH và đại diện các sở GD - ĐT đều thống nhất quan điểm tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2016. Như vậy, vấn đề cần bàn và tìm gải pháp làm sao cho khâu tổ chức được an toàn, đảm bảo sự công bằng mới là điều quan trọng.

Rút kinh nghiệm từ kỳ thi THPT Quốc gia 2015, Bộ GD - ĐT đã đặt vấn đề để các trường cùng góp ý, bàn thảo cách tổ chức cụm thi như thế nào, nên duy trì một hay hai loại cụm thi. Cùng với đó là trách nhiệm tổ chức kỳ thi cũng cần được làm rõ.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, để tránh xáo trộn Bộ GD - ĐT nên duy trì 2 loại cụm thi: cụm thi địa phương do sở GD - ĐT chủ trì dành cho thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT; cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì dành cho thí sinh thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ.



Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, khi duy trì cụm thi địa phương do Sở GD-ĐT chủ trì cần chú ý đến kỹ luật phòng thi. Nên chăng các cụm thi địa phương cần có sự tham gia của các trường ĐH để cùng tổ chức. Thực tế điều mà TS Nguyễn Đức Nghĩa đưa ra hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 tình hình thí sinh vi phạm kỹ luật, bị đình chỉ thi chỉ xảy ra ở các cụm thi liên tỉnh, cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Nhưng ngược lại, các cụm thi địa phương lại khá “nghiêm túc”.

Về lịch thi, Bộ GD-ĐT dự định rút ngắn từ 4 ngày thi trong năm 2015  xuống còn 3 ngày thi trong năm 2016 cho 8 môn thi. Ngoài 4 môn chính là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật lý thi trong 2 ngày, 4 môn còn lại được xếp theo cặp Lịch sử - Sinh học và Địa lý - Hóa học và mỗi cặp môn đều thi cùng một buổi, cùng giờ trong ngày thi thứ 3. Về những môn thi ngày thứ 3, nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ GD-ĐT nên tính toán và có phương án để tránh thí sinh bị thiệt thòi nếu muốn chọn 2 môn cùng một buổi thi. 

Xã hội kỳ vọng những điều chỉnh trong mùa tuyển sinh năm 2016 sẽ khắc phục những điểm hạn chế của năm 2015



Thống kê truy cập
Số người trực tuyến: 18
Số người đã truy cập: 2441511